Việc xác định đúng chủ đề để viết sách có vai trò quyết định trong việc sách của bạn có thu hút được người đọc hay không? Hoặc có nhà xuất bản nào đồng ý hợp tác xuất bản hay không? Trong quá trình tư vấn viết và xuất bản sách, câu đầu tiên mà DIMI Book thường hỏi tác giả là “Lý do tại sao người đọc cần phải đọc cuốn sách này?”. Tuy nhiên, không phải ai cũng trả lời được câu hỏi này.
Có người có thể trình bày rất dài và chi tiết về ý tưởng của cuốn sách, vì sao họ lại viết sách và tại sao nội dung cuốn sách lại gồm những chương như vậy. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người không giải thích được lý do vì sao người đọc phải tốn thời gian cho cuốn sách của họ, hoặc cuốn sách này có gì khác biệt, độc đáo hơn so với những cuốn sách cùng chủ đề hiện có trên thị trường.
Một phần lý do có thể đến từ việc họ chọn viết sách theo cách mà mình muốn thay vì viết thứ mà độc giả muốn đọc hay cần phải đọc.
Đó chính là vấn đề lớn. Vậy làm thế nào để giải quyết? DIMI Book xin gợi ý cho bạn một vài bước dưới đây.
Thiết lập mục tiêu viết sách
Bạn hãy thử suy nghĩ và tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:
Sách của bạn nói về điều gì?
- Mô tả ngắn gọn nội dung của cuốn sách
- Giải thích về ý tưởng để bạn viết nên cuốn sách này
- Lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi là gì?
Nếu một cuốn sách viết ra là vì bạn mà bạn cũng chẳng phải nhân vật tầm cỡ, doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng hay nhà văn đoạt giải,… thì tại sao người đọc phải quan tâm về câu chuyện của bạn?
Do đó, câu hỏi tiếp theo bạn cần phải trả lời chính là:
Sách mang lại những lợi ích nào cho người đọc?
- Cần phải liệt kê thật cụ thể những lợi ích mà người đọc sẽ nhận được khi đọc cuốn sách của bạn. Nếu họ không đọc thì họ sẽ bỏ lỡ điều gì? Đừng để sau khi đọc xong họ bảo rằng: “Lãng phí thời gian”.
- Hoặc, họ có gặp trở ngại, bất lợi khi không có thông tin mà bạn cung cấp trong sách hay không?
Từ mục tiêu đó, nghiên cứu thị trường và tìm chủ đề để viết sách
Quá trình nghiên cứu thị trường để tìm ý tưởng nội dung cho cuốn sách thường mất khá nhiều thời gian và công sức của bạn. Tuy nhiên, sau khi có dữ liệu từ thị trường, bạn mới biết người đọc mà mình đang nhắm đến họ thích gì, họ tìm kiếm điều gì. Và bạn cung cấp nội dung trong cuốn sách phù hợp với mong muốn của họ.
Bạn có thể khảo sát mức độ quan tâm của người đọc thông qua việc chia sẻ nhiều nội dung trên mạng xã hội. Sau đó, quan sát xem họ thực sự quan tâm đến nội dung nào nhất. Rồi từ nội dung mà họ quan tâm, bạn triển khai thêm nhiều nội dung tương tự để đánh giá mức độ chú ý của độc giả. Nếu tín hiệu tốt, bạn có thể sử dụng nội dung đó làm chủ đề cho cuốn sách.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm từ khóa và xu hướng như Google Trends, SemRush, Google Keywords Planner,… để xem độc giả đang cần và tìm kiếm điều gì về chủ đề mà bạn đang muốn viết. Tốt nhất, bạn nên tìm những từ khóa trong phạm vi kiến thức chuyên môn của bạn hoặc lĩnh vực mà bạn đam mê thì sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên nghiên cứu những cuốn sách cùng chủ đề mà bạn định viết để xem lượng bán và phản hồi của độc giả như thế nào. Để làm điều này, bạn có thể tham khảo trên các trang như Tiki, Fahasa,… Bằng việc quan sát lượng người mua sách và điều khiến họ hài lòng cũng như chưa hài lòng, bạn sẽ rút được kinh nghiệm cho mình trước khi bắt đầu.
>>> Đọc thêm bài viết “7 mẹo giúp bạn viết sách kiếm tiền thành công“
Cuốn sách này viết cho ai và nó giúp giải quyết vấn đề gì của họ?
Ở bước này, bạn cần phác họa được chân dung của độc giả sẽ mua cuốn sách của mình là ai? Họ gặp vấn đề gì? Và cuốn sách của bạn giúp họ giải quyết vấn đề như thế nào?
Ví dụ, bạn viết một cuốn sách về chủ đề “Hiểu Đúng Mình – Chọn Đúng Nghề” thì đối tượng độc giả sẽ là ai? Độc giả chính của cuốn sách sẽ là các bạn học sinh cấp 3 đang chuẩn bị chọn trường, chọn ngành ở bậc đại học.
Vậy bạn hiểu gì về nhóm đối tượng này? Bạn có biết những từ ngữ trendy mà họ thường dùng hay không? Vì nếu viết cho nhóm đối tượng này mà bạn không pha một chút hài hước, bắt trend một xíu thì sẽ khó giữ họ đọc hết cuốn sách.
Tiếp theo, nhóm này đang gặp vấn đề gì khi chọn nghề? Không có định hướng rõ ràng, những thứ họ biết về nghề nghiệp chỉ qua sách vở, tivi? Ba mẹ là người định hướng chính còn các em không có quyền lựa chọn? Chỉ chọn nghề thông qua những tính từ “mỹ miều” mà truyền thông đưa ra, chứ không biết bản thân có hợp với ngành đó hay không?
Ngoài ra, để xác định vấn đề mà độc giả đang gặp phải, bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa trên Google.
Việc nghiên cứu độc giả một cách chi tiết và sâu sắc sẽ giúp cuốn sách của bạn được họ đón nhận cũng như giúp họ có được tri thức mà họ muốn.
>>> Đọc thêm bài viết “Làm cách nào để viết được một cuốn sách?“
Việc xác định chủ đề để viết sách sẽ mất khá nhiều thời gian và chất xám của bạn, nhưng nếu bạn kiên định thì chắc chắn có thể hoàn thành cuốn sách của mình một cách tốt nhất. Nếu bạn đang trên hành trình viết sách nhưng cảm thấy bản thân như đang bị “mắc cạn” về ý tưởng, động lực hay kiến thức,… thì đừng hoảng hốt mà liên hệ ngay DIMI Book để được hỗ trợ tốt nhất nhé!