Trong các mẹo viết sách, việc lựa chọn ngôi thứ cho cuốn sách của bạn không phải là việc dễ dàng. Bởi suy cho cùng, việc kể một câu chuyện dưới góc nhìn nào có tác động to lớn đến trải nghiệm của người đọc và ý nghĩa của chính cuốn sách đó. Nhân vật mà người đọc dõi theo sẽ thể hiện rất nhiều điều họ thấy, và những gì họ hiểu được thông qua câu chuyện. Trong khi bạn đang cân nhắc về các lựa chọn ngôi thứ của mình, hãy thử tìm hiểu về ngôi thứ 3. Đó là ngôi thứ được sử dụng phổ biến nhất và không phải ngẫu nhiên mà nó trở nên phổ biến như vậy. Trên thực tế, một số tác giả thậm chí sẽ coi ngôi thứ 3 là mặc định trong các tác phẩm của mình.
Trong bài viết này, Xuất bản sách – DIMI Book sẽ chia sẻ với các bạn về góc nhìn của ngôi thứ 3 và lý do vì sao góc nhìn này lại được rất nhiều tác giả lựa chọn cho đứa con tinh thần của mình như vậy.
1. Góc nhìn của ngôi thứ 3 là gì?
Ở ngôi thứ 3, người kể chuyện là một người hoàn toàn không nằm trong câu chuyện. Các nhân vật sẽ được gọi bằng tên và đại từ thích hợp. Điều này khác với ngôi thứ nhất một vài điểm. Ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện sẽ là nhân vật chính và mọi lời văn đều thể hiện quan điểm, cảm xúc chủ quan của họ. Hay nói cách khác, người đọc sẽ bị kẹt trong tâm trí họ xuyên suốt toàn bộ câu chuyện.
Thay vào đó thì ở ngôi thứ 3, người kể chuyện giống như một vị thần vô hình, miêu tả lại mọi thứ cho độc giả một cách khách quan nhất mà không phải thể hiện quan điểm, cảm xúc của ai (cũng có trường hợp là ngôi thứ 3 giới hạn, thể hiện yếu tố chủ quan của nhân vật mà chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở phần sau).
2. Tại sao ngôi thứ 3 được sử dụng phổ biến khi viết sách?
Như chúng tôi đã nói trước đó, không phải tự nhiên mà ngôi thứ 3 được các tác giả sử dụng phổ biến khi viết sách. Về cơ bản, ngôi thứ 3 rất đơn giản, dễ hiểu và còn tạo ra một chút khoảng cách giữa nhân vật chính và người kể chuyện. Điều này có nghĩa là người viết sẽ không nhất thiết phải chú trọng đến những quan điểm, cảm xúc của nhân vật chính và người đọc cũng không bị mắc kẹt trong mớ tâm trạng, cảm xúc hỗn độn của nhân vật chính trong toàn bộ câu chuyện.
Ngôi thứ 3 có những ưu điểm gì?
2.1. Điểm nhìn khách quan
Ở ngôi thứ 3, người kể có điểm nhìn khách quan, những lời tường thuật và miêu tả cảm xúc của các nhân vật cũng rất khách quan. Đây là lý do tại sao người đọc sẽ không phải lo lắng nhiều về những người kể chuyện không đáng tin cậy khi câu chuyện được kể ở ngôi thứ 3. Một người kể chuyện không đáng tin cậy là khi nhân vật cung cấp cho chúng ta những thông tin chưa chính xác, khiến câu chuyện trở nên chủ quan theo 1 tuyến nhân vật. Chính vì vậy, việc kể chuyện ở ngôi thứ 3 sẽ giúp người đọc có được cái nhìn bao quát và khách quan hơn.
2.2. Người viết có thể kiểm soát thông tin được cung cấp
Bởi vì ngôi thứ 3 duy trì một khoảng cách tách biệt giữa các nhân vật chính và người đọc, cho nên người đọc không nhất thiết phải biết những gì đang xảy ra trong suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật chính tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này có nghĩa bạn có thể giữ lại thông tin và tiết lộ nó khi bạn muốn.
Ví dụ, ở ngôi thứ 3, nhân vật chính có thể có những hành động kỳ quặc, nhưng bạn có thể không cần có bất kỳ lời giải thích nào cho hành động đó. Tuy nhiên ở ngôi thứ nhất, bạn sẽ phải giải thích lý do của hành động. Hầu như không thể che giấu bất kỳ thông tin nào về nhân vật chính ở ngôi thứ nhất vì người đọc đang ở chính trong tâm trí, suy nghĩ, điểm nhìn của họ. Cho nên việc che giấu các phản ứng, cảm xúc của họ về một sự vật, sự việc nhất định trong câu chuyện là điều rất khó để thực hiện.
2.3. Tính linh hoạt giữa các địa điểm và ngôn ngữ trong câu chuyện
Việc lựa chọn viết ở ngôi thứ 3 cũng mang lại cho bạn sự linh hoạt khi chuyển cảnh. Ở ngôi thứ nhất, giống như bạn đã cam kết với quan điểm của nhân vật chính. Có thể có một vài nhân vật với các quan điểm khác nhau, nhưng bạn sẽ không thể khai thác sâu về họ bởi vì bạn đang là nhân vật chính, bạn sẽ không thể biết nếu như họ không có những lời thoại chia sẻ. Quan trọng là khi bạn ở trong quan điểm của nhân vật chính, bạn sẽ không thể rời đi mà không có đoạn chuyển cảnh hoặc ngắt chương.
Giả sử, bạn muốn chuyển giữa cảnh ở một quán ăn và cảnh ở nhà của ai đó. Nếu bạn đang là một nhân vật ngồi trong quán ăn, bạn không thể cùng lúc xuất hiện tại nhà của ai đó được. Nếu bạn đang viết ở ngôi thứ 3 toàn diện, bạn có thể chuyển cảnh đến và đi từ nơi nào đó tùy ý, bạn chỉ cần ngắt cảnh hoặc có một dấu hiệu gì đó để chỉ ra sự thay đổi địa điểm hoặc góc nhìn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thêm không gian để khám phá các phân cảnh mà nhân vật chính có thể không nhận thấy, tạo nên một tầm nhìn rộng hơn, logic hơn chứ không bị bó gọn trong một tuyến nhân vật.
2.4. Người viết có thể tường thuật lại các sự kiện một cách khách quan
Chung quy lại, ngôi thứ 3 cho phép người kể trình bày các sự kiện một cách khách quan. Điều này giúp cho người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện.
Nếu như bạn vẫn chưa lựa chọn được ngôi thứ 3 hay ngôi thứ nhất cho câu chuyện của mình, bạn có thể tự đặt câu hỏi: Cách nhân vật trải nghiệm câu chuyện có tác động đến câu chuyện và chủ đề của nó không? Nói cách khác, nếu bạn không ở trong tâm trí của nhân vật chính, bạn có đang bỏ lỡ phần lớn của câu chuyện hay không?. Nếu có, bạn có thể lựa chọn ngôi thứ nhất. Nếu không, ngôi thứ 3 chính là dành cho bạn.
3. Các kiểu ngôi thứ 3
Tuy cùng gọi chung là ngôi thứ 3, nhưng mỗi một kiểu ngôi thứ 3 lại được sử dụng và thể hiện góc nhìn khác nhau:
3.1. Người kể là một nhân vật trong truyện nhưng không phải nhân vật chính (ngôi thứ 3 giới hạn)
Gần giống với ngôi thứ nhất, ngôi thứ 3 giới hạn là lời kể của một nhân vật trong câu chuyện, nhưng khác ở chỗ đây lại không phải là nhân vật chính. Chính vì thế, khi kể chuyện ở ngôi thứ 3 giới hạn, bạn sẽ bị giới hạn ở góc nhìn của một nhân vật trong một hoạt cảnh hoặc một chương nhất định. Điều này có nghĩa người đọc sẽ chỉ thấy những gì mà nhân vật đó nhìn thấy. Đây được cho là quan điểm chủ quan nhất trong số các loại hình ngôi thứ 3 trong văn học, nó gần giống với ngôi thứ nhất.
Ngôi thứ 3 giới hạn đôi khi cũng được gọi là ngôi thứ 3 gần gũi (người kể chuyện không phải là nhân vật chính nhưng lại có mối quan hệ gần gũi với nhân vật chính). Ở ngôi này, các trải nghiệm của người đọc gần như giống hệt với góc nhìn của ngôi thứ nhất, ngoại trừ nhân vật chính được nhắc đến ở ngôi thứ 3.
3.2. Người kể không phải là một nhân vật trong truyện và miêu tả cảm xúc của nhân vật (Ngôi thứ 3 toàn diện)
Khi một sự việc được viết theo quan điểm toàn diện của ngôi thứ 3, điều đó có nghĩa là người kể chuyện biết mọi thứ đang diễn ra. Bạn sẽ không bị giới hạn trong suy nghĩ của một nhân vật. Người kể chuyện biết mọi người đang nghĩ gì, đang có kế hoạch gì và định làm gì, đồng thời có thể đi bất cứ đâu, vào lúc nào.
Ưu điểm rõ ràng của điều này là người viết có tính linh hoạt rất cao. Bất kỳ điều gì cũng có thể được tiết lộ vào bất cứ lúc nào, và bạn có thể đi bất kỳ đâu mà bạn muốn. Ngôi thứ ba toàn diện được coi là một trong những quan điểm khách quan nhất, vì lời kể của câu chuyện không đến từ bất kỳ nhân vật nào, mà là từ một người kể chuyện vô hình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì loại ngôi này cũng có 1 vài nhược điểm như có thể làm mất đi sự gần gũi, cảm xúc chân thật từ một góc nhìn nhất định. Góc nhìn quá rộng cũng có thể khiến bạn rơi vào tình trạng mông lung trong cốt truyện, khó biết phải tập trung vào ai và điều gì.
3.2. Người kể không phải là một nhân vật trong truyện và không miêu tả cảm xúc của nhân vật (Ngôi thứ 3 khách thể)
Ngôi thứ 3 khách thể nhìn bề ngoài thì giống như ngôi thứ 3 toàn diện bởi vì nó không bị ràng buộc bởi bất kỳ nhân vật cụ thể nào. Tuy nhiên, ngôi thứ 3 khách thể là hoàn toàn vô tư, không miêu tả bất kỳ điều gì về suy nghĩ hoặc cảm xúc của bất kỳ nhân vật nào. Đây là ngôi miêu tả hành động của nhân vật cho người đọc nhưng không mang lại cái nhìn sâu sắc.
Ở ngôi thứ 3 toàn diện, chúng ta có cái nhìn sâu sắc về tất cả suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật. Điều đó khách quan hơn so với ngôi thứ 3 giới hạn hay ngôi thứ 3 gần gũi bởi vì bạn sẽ có nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên để mà nói thì ngôi thứ 3 khách thể lại là khách quan nhất vì kể về các sự kiện hoàn toàn không được tô màu bởi cảm xúc hay góc nhìn của bất kỳ nhân vật nào. Tất cả những gì người đọc nhận được là những sự kiện, sự việc đã xảy ra được xâu chuỗi lại với nhau.
Cách viết này rất hiếm khi được sử dụng khi viết tiểu thuyết, loại hình ngôi này thường được bắt gặp trong các câu chuyện ngắn hơn. Rất khó để người đọc kết nối được với các nhân vật chính khi không biết được suy nghĩ, cảm xúc hoặc động lực của nhân vật
4. Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của DIMI Book về cách lựa chọn ngôi thứ khi viết cuốn sách của bạn. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công với tác phẩm của mình!