Skip to content

3 Điều cần biết khi viết cuốn sách đầu tay của bạn

Bạn có mơ ước trở thành một tác giả chuyên viết tiểu thuyết?

Bạn muốn tự xuất bản một cuốn sách chia sẻ kiến thức để làm bệ phóng cho sự nghiệp? 

Hay có thể bạn muốn chia sẻ câu chuyện quý giá của cuộc đời mình như một di sản để lại cho các thế hệ sau? 

Dù mục đích viết sách là gì, thì điều đó cũng đều phải bắt đầu từ cuốn sách đầu tay của bạn. Tất nhiên, dù là làm bất kỳ việc gì, lần đầu tiên đều khó tránh khỏi sự bỡ ngỡ, vụng về. Đó chính là lý do mà DIMI BOOk chia sẻ bài viết này, với mong muốn cung cấp cho những ai đang quan tâm một số kỹ năng cơ bản để có thể tự tin hơn với cuốn sách đầu tay của mình. 

Xác định vì sao bạn cần viết sách? 

Nếu bạn muốn trở thành một nhà văn được mọi người biết đến, hay sử dụng sách cho mục đích kinh doanh, nâng tầm giá trị của bản thân, làm bệ phóng cho sự nghiệp, thì việc viết sách để bắt đầu hành trình này là điều bắt buộc. Sách là một công cụ hỗ trợ đắc lực, được tận dụng để tác động trực tiếp đến độc giả, hay khách hàng tiềm năng và những người mà bạn không cách nào tiếp cận được. Có những cuốn sách nổi tiếng đến mức được bày bán trên tất cả các châu lục, tác động đến cả những khu vực mà chính tác giả cũng không bao giờ có thể đến được. 

Một cuốn sách hay có thể tác động đến cuộc sống của những người hoàn toàn xa lạ ở bất kỳ khu vực nào.

Những cuốn sách vô cùng kỳ diệu. Có một sự kết nối vô hình nào đó giữa người viết và người đọc chỉ thông qua những dòng chữ đen trên nên giấy trắng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng những con chữ lại có thể tác động mạnh mẽ theo những cách mà chính chúng ta cũng không thể diễn tả được. Những lời động viên, chia sẻ, những câu chuyện truyền cảm hứng, những bài học khó khăn trong cuộc sống mà bạn đã học được và truyền tải trong cuốn sách của mình cũng có thể tác động trực tiếp đến cuộc sống của người đọc trong nhiều năm sau đó. Vậy nên, chúng ta không thể đánh giá thấp sức mạnh của những con chữ. 

Sách cũng có thể đóng vai trò như một tấm danh thiếp, nâng cao uy tín, thương hiệu cá nhân của bạn và truyền cảm hứng cho người khác lắng nghe những gì bạn nói. Bạn đã có ý tưởng cho cuốn sách, nhưng để triển khai ý tưởng đó đến trang cuối cùng thì cần phải có thời gian và sự kiên trì. Rất nhiều người thể hiện mong muốn viết một cuốn sách, nhưng rất ít người có thể thực sự hoàn thành bản thảo đầu tiên của họ. Nếu như bạn hoàn thành cuốn sách đầu tay của mình, bạn sẽ là một trong số ít những người có thể biến ước mơ của bao người thành hiện thực. 

Làm thế nào để bắt đầu viết cuốn sách đầu tay của bạn?

Các quy tắc trong việc viết một cuốn sách nhiều vô kể, nếu muốn học hết thì bạn sẽ cần một thời gian dài nghiên cứu và tìm tòi. Tuy nhiên, trong bài viết này, DIMI BOOK đã chắt lọc ra những điều cơ bản nhất, cần thiết nhất để bạn có thể tự tin hoàn thành cuốn sách đầu tay của mình:

Xác định thể loại cho cuốn sách đầu tay của mình

Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi viết một cuốn sách là bạn phải xác định được thể loại mà bạn muốn viết trong cuốn sách của mình là gì? Đó sẽ là định hướng, là kim chỉ nam xuyên suốt cuốn sách của bạn. Nếu như muốn viết một cuốn tiểu thuyết, bạn sẽ phải xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật và các cuộc hội thoại,… Bạn cũng có thể viết một cuốn sách chia sẻ kiến thức về lĩnh vực mà mình am hiểu để tạo dựng độ tin cậy, xây dưng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp, từ đó thu hút các khách hàng tiềm năng tìm đến với mình. Hay bạn cảm thấy cuộc đời của mình là một câu chuyện đầy thú vị, bạn muốn viết một cuốn tự truyện để lưu lại, làm quà tặng, làm di sản truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này,…

Thiết lập thói quen viết lách

Khi viết một cuốn sách lần đầu tiên, điều quan trọng là bạn phải thiết lập một thói quen viết lách mỗi ngày. Coi đó là thói quen, là sở thích và gắn bó với nó. Nếu bạn thích buổi sáng, hãy cân nhắc đến việc dậy sớm hơn mỗi ngày khoảng 1h đồng hồ để viết. Ban đêm yên tĩnh cũng là thời gian lý tưởng cho “hội cú đêm” thỏa sức lên ý tưởng và “múa bút” cho đứa con tinh thần đầu tiên của mình. 

Việc hình thành thói quen viết sách hàng ngày là một việc vô cùng quan trọng trong hành trình viết sách của bạn.

Đừng quên đặt ra thời hạn hoàn thành cuốn sách cho mình và xác định xem bạn cần viết bao nhiêu từ hoặc trang mỗi ngày để đạt thời hạn đó. Hãy kiên trì với nó và đừng để những phiền nhiễu hàng ngày cản trở bạn theo đuổi ước mơ viết lách của mình. 

Tìm kiếm cộng đồng về viết lách

Sau khi đã xác định được chủ đề của cuốn sách và thiết lập cho mình một thói quen viết lách hàng ngày, điều quan trọng là bạn cần phải “xâm nhập” vào một vài cộng đồng về viết lách. Tại đó, bạn sẽ không chỉ học hỏi được những điều cơ bản về cách viết, mà còn được truyền cảm hứng, động lực để hoàn thành “công trình” của mình. 

Bắt đầu viết một cuốn sách thì dễ, nhưng kết thúc nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Hãy tiếp cận với các nhà văn mà bạn có thể, tham gia các cộng đồng, các nhóm về viết lách trên các trang mạng xã hội, hoặc bạn cũng có thể thành lập một nhóm về viết lách của riêng bạn, nhưng hãy đảm bảo họ là những người sẽ khuyến khích và truyền cảm hứng cho bạn. Đồng thời cũng đừng quên rằng hãy luôn có những phản ứng tích cực với những phản hồi, góp ý của họ. 

Trau dồi kỹ năng của bạn

Cách tốt nhất để trau dồi kỹ năng của bạn chính là viết, viết và viết. Viết liên tục, viết hàng ngày là cách bạn cải thiện kỹ năng nhanh chóng nhất. 

Bên cạnh đó, việc đọc thêm sách, các tác phẩm khác là cách để bạn có thể mở rộng vốn từ và văn phong của mình sao cho lôi cuốn, hấp dẫn người đọc hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số quy tắc cơ bản trong viết lách dưới đây để giúp cuốn sách chuyên nghiệp hơn và chạm đến trái tim người đọc:

  • Thể hiện cảm xúc, tình tiết của câu chuyện bằng những hành động, lời nói gián tiếp thay vì giải thích trực tiếp cho người đọc những gì đang xảy ra sẽ khiến câu chuyện của bạn trở nên sâu sắc hơn.
  • Sử dụng các câu văn chủ động để nội dung mạnh mẽ, suc tích, tránh các từ thừa thãi trong một câu văn. 

Ví dụ: Nick sút bóng cho Anthony 

thay vì: Anthony được Nick sút bóng cho 

  • Khi xây dựng cốt truyện, bạn hãy hòa mình vào câu chuyện chứ đừng chỉ là hồi tưởng lại, kể lại một câu chuyện. 
  • Sử dụng các danh từ và động từ mạnh thay vì tính từ và trạng từ

Bạn càng hiểu rõ về các quy tắc viết thì chúng sẽ càng trở nên sống động trong tiềm thức và trong bài viết của bạn. Bạn càng kết hợp nhuần nhuyễn các quy tắc này, bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều thời gian chỉnh sửa và những cuốn sách sau đó sẽ không “ngốn” mất quá nhiều thời gian của bạn.

Những sai lầm cần tránh khi viết cuốn sách đầu tay của bạn

Khi viết sách, có những quy tắc cần tuân theo thì cũng có những sai lầm bạn cần phải tránh. Nhận thức được sai lầm trước khi mắc phải có thể giúp bạn đỡ mất thời gian và công sức để sửa sai sau này. 

Loại bỏ ngay các suy nghĩ tiêu cực và tìm nguồn cảm hứng để tiếp tục ước mơ viết lách của mình.

Tránh so sánh cuốn sách đầu tay của mình với những cuốn “best-seller”

Mặc dù chúng tôi vẫn khuyên bạn là nên đọc tất cả những cuốn sách bạn có thể cùng thể loại với cuốn sách của bạn, nhưng hãy tránh ngay việc so sánh nỗ lực đầu tiên của bạn với cuốn sách bán chạy của ai đó. Tất cả chúng ta đều đang học hỏi và trưởng thành, sự so sánh sẽ làm ngưng trệ năng lực sáng tạo của bạn. Chúng ta nhìn vào những điều tốt nhất để hoàn thiện mình, để trở thành điều tốt tiếp theo chứ không phải là để nản chí. 

Tránh suy nghĩ tiêu cực 

Cuốn sách đầu tay của bạn có thể không phải là cuốn sách bán chạy, nhưng điều đó không có nghĩa bạn không phải là nhà văn. Một lẽ dĩ nhiên, bạn đã viết thì bạn chính là một nhà văn. Hãy từ bỏ suy nghĩ rằng trừ khi bạn phải là người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất, còn không thì bạn không xứng đáng với danh hiệu “nhà văn”. Bạn chính là một nhà văn đang trên con đường học tập và rèn luyện để trở thành một nhà văn xuất sắc, chuyên nghiệp. 

Tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”

Chúng ta nên cởi mở đón nhận những lời nhận xét, góp ý mang tính chất xây dựng, nhưng đừng chăm chăm thay đổi cuốn sách của bạn mỗi khi ai đó đề nghị hay khuyên bạn làm như vậy. Bạn là một nhà văn, và chính tầm nhìn của bạn mới là điều cần thiết. Khi viết cuốn sách của mình, bạn muốn nó trung thực với câu chuyện bạn định kể, cho dù đó là một câu chuyện hư cấu hay phi hư cấu. Hãy lắng nghe những lời phản hồi, nhưng hãy làm theo bản năng của chính bạn – tác giả của cuốn sách. 

Lời Kết 

Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sắp bắt đầu một cuộc hành trình đáng kinh ngạc. Viết toàn bộ bản thảo là một nhiệm vụ không hề nhỏ và đó là nguồn cảm hứng khiến bạn chọn thực hiện nó. Viết cuốn sách đầu tiên là bước đệm tuyệt vời để bạn trở thành một tác giả. 

Hãy nhớ rằng, sau khi có được cuốn sách đầu tiên này, bạn sẽ không bao giờ phải nói rằng: “Tôi đang viết cuốn sách đầu tiên của mình” nữa. Bạn sẽ biết được những gì mình mong đợi, hiểu rõ các quy tắc hơn. Có thể bạn sẽ vượt qua được rất nhiều nhà văn khác, quan trọng hơn là đã chiến thắng những ngày bị mất phương hướng, không có cảm hứng viết. 

Đây là một cuộc hành trình, vì vậy hãy đón nhận mọi khía cạnh, đặt thời hạn và cam kết với mục tiêu của mình. Đừng để sự phân tâm khiến bạn không thể thực hiện được ước mơ.

Chúc bạn thành công!

Bài viết tương tự

Tư vấn xuất bản sách

Bạn đang muốn xuất bản một quyển sách cho riêng mình hãy để DIMI Book tư vấn miễn phí cho bạn nhé.
 
Tặng bạn Ebook hướng dẫn viết sách, hãy để lại email để nhận ngay nhé.